Nếu bạn đang đọc bài viết này, thì có lẽ bạn đang tự hỏi chính xác cảm biến hay thiết bị đo áp suất là gì. Hôm nay, chúng tôi hy vọng sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi mà bạn có thể có về cảm biến áp suất.
Áp suất là gì?
Trước tiên muốn tìm hiểu về cảm biến áp suất thì ta nên hiểu qua khái niệm về áp suất. Vậy áp suất là gì?
Áp suất là lực trên một đơn vị diện tích mà chất lỏng tác dụng lên môi trường xung quanh nó. Vật lý cơ bản của Áp suất (p), được tính bằng lực (F) chia cho diện tích (S).
Phương trình miêu tả áp suất: p = F / S
Đơn vị tiêu chuẩn cho áp suất là "Pascal". Điều này tương đương với một "Newton trên mét bình phương".
Vậy là ta đã hiểu được khái niệm về áp suất. Tiếp theo ta sẽ tìm hiểu về cảm biến áp suất là gì?
Cảm biến áp suất là gì?
Cảm biến áp suất, hay còn gọi đầu dò áp lực, máy phát áp lực, là một thiết bị điện tử dùng để đo áp suất và chuyển đổi dữ liệu vật lý cảm nhận thành tín hiệu điện tử, hiển thị qua bộ điều khiển hoặc màn hình.
Đây là thiết bị chuyên dùng để giám sát áp suất, áp lực trong các bồn chứa hay đường ống dẫn khí, hơi, hay chất lỏng. Thông qua đó bạn có thể biết được các biến như lưu lượng chất lỏng / khí, tốc độ, mực nước và độ cao.
Ngoài ra còn có một loại cảm biến áp suất còn được thiết kế để đo ở chế độ động để ghi lại những thay đổi tốc độ rất cao của áp suất. Ví dụ điển hình là đo áp suất đốt cháy trong xi lanh động cơ hoặc trong tuabin khí. Các cảm biến này thường được sản xuất từ vật liệu áp điện như thạch anh.
Một số cảm biến áp suất là công tắc áp suất , bật hoặc tắt ở một áp suất cụ thể. Ví dụ, một máy bơm nước có thể được điều khiển bởi một công tắc áp suất để nó khởi động khi nước được xả ra khỏi hệ thống, làm giảm áp suất trong bể chứa.
>> Xem thêm: Top 5 cảm biến áp suất được mua nhiều nhất
Phân loại cảm biến áp suất
Cảm biến áp suất có thể được phân loại dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm phạm vi áp suất mà chúng đo được, phạm vi nhiệt độ hoạt động hoặc loại áp suất mà chúng đo được. Tùy theo mục đích của từng loại mà cảm biến áp suất được phân thành 3 loại: cảm biến áp suất tương đối, cảm biến áp suất tuyệt đối và cảm biến áp suất chênh áp.
1. Cảm biến áp suất tương đối
Cảm biến áp suất tương đối (Gauge pressure sensors) là loại cảm biến được sử dụng để đo áp suất so với áp suất khí quyển hiện tại. Khi đặt cảm biến áp suất tại môi trường khí quyển thì áp suất tương đương đang đo được là 0 bar. Ví dụ khi áp suất tương đối bằng 1 bar thì tương đương áp suất tại vị trí đo đang lớn hơn áp suất khí quyển một đại lượng áp suất là 1 bar.
Các ứng dụng của cảm biến áp suất bao gồm đo huyết áp và máy đo áp suất lốp.
2. Cảm biến áp suất tuyệt đối
Cảm biến áp suất tuyệt đối (Absolute pressure sensors) là loại dùng để đo áp suất so với độ không tuyệt đối. Loại cảm biến này hoạt động dựa trên nguyên lý trong cảm biến được nén 1 bar vào cảm biến. Khi đặt cảm biến ở môi trường khí quyển thì áp suất tương đương đang đo được là 1 bar. Các ứng dụng cho cảm biến áp suất tuyệt đối bao gồm đo áp suất khí quyển.
Ưu điểm rõ ràng của cảm biến áp suất tuyệt đối là luôn đo theo cùng một áp suất chuẩn (chân không) và do đó không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi áp suất khí quyển và ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ.
3. Cảm biến áp suất chênh áp
Cảm biến áp suất chênh áp (Differential pressure sensors) xác định sự khác biệt giữa hai áp suất và có thể được sử dụng để đo độ giảm áp suất, mức chất lỏng và tốc độ dòng chảy. Những thiết bị này thường được sử dụng cho máy móc trong môi trường công nghiệp.
Về mặt kỹ thuật, hầu hết các cảm biến áp suất thực sự là cảm biến chênh lệch áp suất; Ví dụ, một cảm biến áp suất tương đối chỉ là một cảm biến chênh lệch áp suất trong đó một mặt mở ra không khí xung quanh.
>> Xem thêm: Cấu tạo, nguyên lý hoạt động và ứng dụng của cảm biến áp suất